Giảm bớt nỗi lo vì cấp lý lịch tư pháp chậm trễ
-
Luật sư Nha Trang: Một phần mềm mang tính giải pháp – “kiềng ba chân” vừa được trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Bộ Công an áp dụng. Với sự ra đời của phần mềm thời gian tra cứu án tích từ 15-20 ngày xuống còn 1-2 ngày.
Trước đây, thủ tục xác minh để cấp lý lịch tư pháp lòng vòng nên chậm. Cuộc phỏng vấn giưã phóng viên với cán bộ tư pháp thành phố Hồ Chí Minh dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được nguyên nhân của sự chậm trễ khi cấp lý lịch tư pháp.
Phóng viên: Thưa ông, lâu nay người dân kêu nhiều về việc cấp phiếu LLTP chậm trễ, cá biệt có nơi chậm gấp đôi thời gian so với phiếu hẹn. Và trong các phiếu hẹn trả kết quả, một số sở Tư pháp luôn đính kèm câu “không tính thời gian tra cứu, xác minh”. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
+ Ông Hoàng Quốc Hùng : Thống kê cho thấy bình quân cả nước thủ tục cấp phiếu LLTP chậm hơn 20% so với thời hạn luật định (tối đa 15 ngày), có những địa phương chậm trên 70%, cá biệt có địa phương chậm đến 100%. Có khi hơn 30 ngày vẫn chưa cấp được phiếu LLTP cho dân. Lý do là công an cấp tỉnh chưa trả lời kết quả tra cứu án tích cho Sở Tư pháp. Vì vậy các sở Tư pháp mới ghi thêm câu “không tính thời gian tra cứu, xác minh” trên phiếu hẹn để dân đỡ mất công đi lại.
Sở Tư pháp là đơn vị cấp phiếu LLTP nhưng phải dựa vào kết quả tra cứu, xác minh thông tin về án tích từ phía công an nên thực tế hầu hết trường hợp trễ hạn là do kết quả tra cứu, xác minh về án tích tại cơ quan công an chậm so với quy định. Số hồ sơ bị chậm thuộc ba nhóm: công dân đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành; công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài.
. Vì sao việc xác minh thông tin về án tích để cấp LLTP chậm, thưa ông?
+ TTLLTPQG đã trao đổi về những vướng mắc trong việc phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) – Bộ Công an. Ông Nguyễn Huy Mạ – Cục trưởng C53 cũng lý giải nguyên nhân đặc thù của chế độ lưu trữ dữ liệu án tích hiện nay nên dẫn đến có chậm tiến độ trả lời kết quả xác minh thông tin.
Theo Nghị định 111/2010 và Thông tư liên tịch 04/2012, C53 phối hợp với TTLLTPQG, còn Phòng Hồ sơ nghiệp vụ công an cấp tỉnh phối hợp với các sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin về án tích có trước 1-7-2010 để cấp phiếu LLTP. Nhưng C53 là đơn vị lưu giữ đầy đủ các dữ liệu về việc phạm tội trong hệ thống tàng thư lưu trữ qua các thời kỳ nên khi Sở Tư pháp đề nghị công an cấp tỉnh tra cứu án tích ba nhóm hồ sơ nêu trên thì công an cấp tỉnh phải tra cứu tại C53 mới có đủ dữ liệu thông tin để trả lời kết quả cho Sở Tư pháp. Vì quy trình tra cứu lòng vòng, qua cấp trung gian như vậy nên dẫn đến sự chậm trễ trả lời kết quả, ảnh hưởng tới thời hạn cấp phiếu Lý lịch tư pháp.
Rút thời gian tra cứu xuống cả chục lần
– Đã biết nguyên nhân, vậy có giải pháp nào giải quyết chuyện lòng vòng đó không, thưa ông?
+ TTLLTPQG và C53 đã cùng thống nhất giải pháp theo mô hình “kiềng ba chân” (Trung tâm – C53 – Sở Tư pháp). Cụ thể, C53 phối hợp với TTLLTPQG cài đặt cho Sở Tư pháp phần mềm “tra cứu án tích” kết hợp với máy scan tốc độ cao để truyền trực tiếp (qua Internet) yêu cầu tra cứu thông tin LLTP và hồ sơ của đương sự từ Sở Tư pháp về C53 và TTLLTPQG. Tiếp nhận, C53 có trách nhiệm tra cứu và trả kết quả xác minh án tích (cũng qua Internet) về TTLLTPQG ngay trong ngày. Sau khi rà soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của trung tâm, giám đốc TTLLTPQG sẽ ký công văn trả lời kết quả tra cứu, xác minh rồi truyền qua Internet về Sở Tư pháp. Kết quả trả lời tra cứu, xác minh án tích (qua Internet) in ra từ phần mềm có giá trị như văn bản giấy. Còn các công văn, hồ sơ, giấy tờ (bản giấy) sẽ được gửi đến sau theo đường công văn để kiểm soát và lưu trữ. C53 và TTLLTPQG chịu trách nhiệm về kết quả tra cứu, chuyển qua Internet theo quy trình này.
Đây là giải pháp được thử nghiệm đối với một số sở Tư pháp và chỉ áp dụng đối với ba trường hợp hồ sơ: 1. Công dân đã cư trú ở nhiều tỉnh, TP kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên; công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài. 2. Công dân không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. 3. Các trường hợp quá chín ngày mà Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được kết quả tra cứu, xác minh của công an cấp tỉnh.
. Mô hình mới này đã áp dụng chưa, ở đâu và hiệu quả thế nào, thưa ông?
+ Mô hình “kiềng ba chân” đã thử nghiệm thành công tại TTLLTPQG từ tháng 11-2014 và triển khai thử nghiệm tại Phú Yên, Khánh Hòa và TP.HCM từ tháng 1-2015.
Tại TP.HCM, địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP nhiều nhất so với cả nước, đã thử nghiệm thành công và cấp nhanh hàng ngàn phiếu LLTP cho người dân, rút ngắn thời gian yêu cầu xác minh và trả kết quả tra cứu án tích từ 15-20 ngày xuống còn 1-2 ngày.
Đến thời điểm hiện nay, nhờ giải pháp phần mềm “kiềng ba chân” này, riêng TTLLTPQG đã khẳng định “nói không với chậm LLTP” và hỗ trợ TP.HCM, Phú Yên, Khánh Hòa giải quyết dứt điểm tình trạng chậm cấp LLTP. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thử nghiệm tại Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Sau đó sẽ tổng kết và chính thức lập đề án để trình Bộ trưởng Tư pháp xem xét, triển khai trên phạm vi cả nước.
. Xin cám ơn ông.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp TP.HCM đã cấp khoảng 2.500 LLTP theo quy trình tra cứu án tích “kiềng ba chân”. Trung bình mỗi ngày Sở xử lý trên dưới 100 hồ sơ loại này.
Trước đây, riêng khâu tra cứu án tích loại hồ sơ này mất hơn một tháng, có khi đến 2-3 tháng nên trung bình mỗi tháng tồn đọng khoảng 2.000 hồ sơ LLTP trễ hạn, người dân phàn nàn, Sở chịu áp lực rất lớn. Hiện nay trung bình khoảng 3-4 ngày (có khi 9-10 ngày) là nhận được kết quả tra cứu nên rút ngắn thời gian cấp LLTP xuống 12-15 ngày, đảm bảo trả LLTP đúng hạn hoặc sớm hơn.