MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG

  • Xác định tài sản chung, chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại và xác định tài sản riêng của vợ chồng là những vấn đề còn có những vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Báo Công lý xin giới thiệu một số bài viết về các vấn đề này.

    Vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng đã được quy định trong luật, tuy nhiên qua thực tế xét xử cho thấy để áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, phải đánh giá toàn diện và chính xác, nhằm xác định được bản chất của sự việc.chia-tai-san-ly-hon

    Các nguồn hình thành tài sản chung:

    Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.

    Từ quy định nói trên có thể thấy việc hình thành tài sản chung rất sinh động, đa dạng, nhưng tựu chung có thể từ các nguồn sau:

    Tài sản chung hình thành từ kết quả của lao động

    Thông thường tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều được xác định là tài sản chung vợ chồng. Những tài sản đó có thể là do vợ và chồng cùng trực tiếp lao động, hoặc do một trong hai bên trực tiếp lao động để làm ra sản phẩm, sản phẩm đó để dùng trong gia đình, còn dư ra, đem bán để có sự tích lũy, cũng có thể toàn bộ sản phẩm do vợ chồng làm ra đều đem bán, tạo ra thu nhập cho gia đình; tài sản chung cũng có thể hình thành qua việc được trả công lao động, thuê người khác làm, do tổ chức sản xuất, kinh doanh mà có v.v…

    Có thể thấy rằng thông qua sức lao động của vợ, chồng được thể hiện dưới các hình thức khác nhau để tạo nguồn thu nhập, tạo ra tài sản trong gia đình, dù các tài sản đó được hình thành dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng nếu đó là kết quả của lao động chân chính, đều được công nhận là tài sản chung vợ chồng.

    Tài sản vợ chồng được hình thành do được thừa kế chung:

    Đây là trường hợp vợ chồng cùng được hưởng thừa kế theo di chúc của người để lại di sản. Trong di chúc thể hiện rõ để lại tài sản cho cả vợ và chồng. Trong các trường hợp có tranh chấp, thì phải chú ý xem kỹ nội dung, lời văn di chúc. Nếu di chúc cho một bên được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, còn một bên chỉ được sử dụng và hưởng hoa lợi từ di sản cho đến khi nào chết, thì quyền lợi của mỗi bên (vợ và chồng) trong di chúc là khác nhau.

    Tài sản chung được hình thành từ việc được tặng cho:

    Đối với trường hợp được tặng cho chung thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng có thể được tặng cho tài sản thông qua hợp đồng bằng văn bản, và cũng có thể là hợp đồng miệng, hay còn gọi là tặng cho trên thực tế.

    Sở dĩ gọi là “tặng cho trên thực tế” vì việc tặng cho này không thể hiện bằng văn bản, mà chỉ nói miệng trong nội bộ gia đình và chỉ thể hiện rõ trong quá trình chuyển giao trên thực tế. Do đó, khi vợ chồng ly hôn, một bên khai tài sản chung do được bố mẹ cho, một bên khai không phải là tài sản chung của vợ chồng. Phía bố mẹ cũng đứng về phía con, khai là chỉ cho sử dụng chứ chưa cho. Đây là một vấn đề rất phức tạp, tác giả đã phân tích kỹ trong chuyên đề “Về những khó khăn, vướng mắc khi xác định việc cho hay chưa cho tài sản khi các con ra ở riêng – một số kiến nghị về hướng giải quyết”, (được in trong quyển “Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử” tái bản lần thứ 4 phát hành vào cuối tháng 1/2013 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia).

    Vì vậy, trong bài này, tác giả chỉ lưu ý đối với các trường hợp này, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, đánh giá chứng cứ toàn diện, khách quan là việc làm cực kỳ quan trọng. Khi đã đủ căn cứ kết luận là vợ chồng đã được cho trong thực tế (Ví dụ: Vợ chồng đã xây nhà 5 tầng trên diện tích đất, có khuôn viên riêng, vợ chồng đã quản lý, sử dụng trong nhiều năm hoặc đã kê khai, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, bố mẹ biết, nhưng không phản đối hoặc đồng ý cho con đi kê khai, xin cấp giấy v.v…) thì phải xác định là tài sản chung.

    Xem xét kỹ nội dung của văn bản tặng cho 

    Tài sản chung có được có thể là do cùng được tặng cho nhà tình nghĩa, được Nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho gia đình nghèo…

    Đối với việc tặng cho được thể hiện bằng văn bản, thông thường việc thu thập, đánh giá chứng cứ rất thuận lợi, nhưng khi xét xử nếu không nghiên cứu kỹ văn bản tặng cho cũng sẽ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, như trong văn bản tặng cho có ghi tên của cả hai vợ chồng, song ở phần bên được tặng cho lại chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì đó không phải là tặng cho chung. Dưới đây là một ví dụ:

    Chị Đinh Thị Hoa xin ly hôn anh Nguyễn Quyền. Bố anh Quyền (là ông Quảng) viết giấy tặng cho con tài sản và tự ký thay con vào giấy tặng cho, chính quyền xã đã xác nhận vào đơn, Toà án sơ thẩm xác định là tài sản riêng, Toà phúc thẩm xác định là tài sản chung vơ chồng, Toà án cấp giám đốc thẩm xác định không phải là tài sản chung của vợ chồng.

    Năm 1987, chị Hoa kết hôn với anh Quyền, có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống có 1 con chung là cháu Nguyễn Quỳnh Thu sinh năm 1988. Ngày 12/5/1993, ông Nguyễn Quảng có đơn “cho nhà và hoa màu”. Trong đơn có ghi bên cho: là ông Quảng, bà Khanh, bên được cho: “con trai Nguyễn Quyền”, “có vợ là Đinh Thị Hoa”. Đơn này đã được Ủy ban nhân dân phường xác nhận. Năm 1994, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, năm 1996 chị Hoa yêu cầu ly hôn và xin được nuôi con chung, anh Quyền đồng ý. Về tài sản ban đầu chị Hoa khai vợ chồng có 1 sổ tiết kiệm có số tiền 10 triệu, 1 xe máy Minsk, vô tuyến, quạt, tủ bán hàng. Sau đó, chị khai tài sản vợ chồng còn một thửa đất trên có một nhà tranh tre, do bố mẹ anh Quyền cho, chị Hoa yêu cầu chia cho chị bằng tiền là 7 triệu đồng hoặc 1/2 diện tích đất.

    Về phía anh Quyền thì công nhận các động sản là tài sản chung của vợ chồng, còn nhà đất là của bố mẹ anh và bố mẹ anh chưa cho vợ chồng.

    Vợ chồng ông Quảng, bà Khanh (là bố, mẹ anh Quyền) cho rằng toàn bộ nhà đất của ông bà chưa cho vợ chồng anh Quyền. Sở dĩ ông làm giấy tờ có ý định sang tên cho riêng anh Quyền để các con của ông bà khỏi tranh chấp.

    Tại Bản án phúc thẩm số 16 ngày 7/6/1997, TAND tỉnh TN đã quyết định: Y án sơ thẩm về phần hôn nhân và nuôi con. Huỷ phần phân chia tài sản, giao cho TAND thành phố TN điều tra xét xử sơ thẩm lại. Tại Bản án sơ thẩm số 54 ngày 4/12/1997, TAND thành phố TN vẫn xác định căn nhà trên 320m2 đất ở phường Quang Trung không phải là tài sản chung vợ chồng. Tại Bản án phúc thẩm số 4 ngày 21/4/1998, TAND tỉnh TN đã quyết định sửa án sơ thẩm và xử: Phân chia động sản và xác định nhà đất ở phường Quang Trung là tài sản chung vợ chồng, và phân chia cho mỗi bên ½ (Tòa phúc thẩm nhận định bố mẹ anh Quyền đã cho vợ chồng nhà đất).

    Tác giả thấy rằng: Nguồn gốc căn nhà là của vợ chồng ông Quảng (bố mẹ anh Quyền). Do có ý đồ cho anh Quyền một phần đất và để tránh việc tranh chấp về nhà đất giữa các con, nên ngày 12/5/1993 ông Quảng đơn phương làm đơn xin tách đất cho anh Quyền. Tại đơn trên ông Quảng ký đứng tên xin tách đất và ký thay cho anh Quyền (người được cho). Đồng thời, ông Quảng yêu cầu và được Tổ dân phố, Ủy ban nhân dân phường xác nhận đồng ý. Sau đó tự bà Khanh (vợ ông Quảng) đến phòng nhà đất và xây dựng thành phố TN để làm thủ tục. Tại chứng thực số 837MB-XD ngày 14/6/1993 Phòng xây dựng và nhà đất thành phố TN đồng ý cho ông Quảng chuyển nhà và hoa màu cho anh Quyền.

    Theo yêu cầu của ông Quảng ngày 25/12/1993 cán bộ địa chính đã đến đo diện tích và xác định ranh giới phần đất ông Quảng định cho anh Quyền, khi đó không có mặt vợ chồng anh Quyền, ông Quảng đã trực tiếp ký biên bản. Toàn bộ quá trình làm các thủ tục về nhà đất trên đều do vợ chồng ông Quảng, bà Khanh thực hiện. Còn vợ chồng anh Quyền không biết và không thực hiện các nghĩa vụ của người được cho. Trong thực tế vợ chồng ông Quảng vẫn là người trực tiếp quản lý, sử dụng và nộp thuế cho Nhà nước đối với thửa đất trên. Còn vợ chồng anh Quyền ở chỗ khác. Hơn nữa, toàn bộ giấy tờ có liên quan đến nhà đất trên ông Quảng không giao cho vợ chồng anh Quyền. Xét về “đơn xin cho nhà và hoa màu” do ông Quảng lập ngày 12/5/1993 với nội dung: Người cho là ông Quảng, bà Khanh, bên được cho là “con trai Nguyễn Quyền”. Nhưng cho đến nay bên được cho cũng chưa ký vào giấy tờ tặng cho; bên cho chưa giao và bên được cho chưa tiếp nhận tài sản tặng cho trên thực tế.

    Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác định nhà đất đang tranh chấp không phải là tài sản chung của vợ chồng anh Quyền, chị Hoa, đồng thời bác yêu cầu của chị Hoa như Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với nhà đất nêu trên mới đúng. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại xác định nhà đất nêu trên là tài sản chung của vợ chồng anh Quyền, chị Hoa, từ đó chia cho chị Hoa 1/2 nhà đất là không đúng, làm thiệt hại quyền lợi của các đương sự khác.

    Sai lầm của Tòa án cấp phúc thẩm thể hiện ở hai khía cạnh: Một là: ý thức chủ quan và thể hiện trên giấy tờ là vợ chồng ông Quảng cho riêng con trai, thì Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định là cho chung vợ chồng người con là không đúng. Hai là: dù có coi là cho chung vợ chồng con như quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm, thì lẽ ra cũng phải coi bên anh Quyền có công sức đóng góp nhiều hơn. Khi phân chia phải chia cho anh Quyền nhiều hơn, Tòa án cấp phúc thẩm lại chia mỗi bên hưởng ½ là không hợp lý.

    Vì vậy, phải xem xét kỹ nội dung của văn bản tặng cho để hiểu đúng ý chí của bên tặng cho. Nếu nội dung văn bản tặng cho có nhiều cách giải thích, cách hiểu khác nhau và bên tặng cho còn sống, thì cần hỏi người tặng cho và những người có biết, chứng kiến việc tặng cho, đồng thời phải xem xét diễn biến trên thực tế từ khi được tặng cho, đến khi có tranh chấp (bên được tặng cho đã nhận tài sản, việc sử dụng, quản lý thế nào? sau đó các bên kê khai đăng ký, đối với tài sản phải kê khai, đăng ký như thế nào? v.v…) để đánh giá toàn diện và chính xác, nhằm xác định được bản chất của sự việc. Nếu bố mẹ dù đã tuyên bố công khai, có nhân chứng về việc tặng cho, nhưng vợ chồng chưa nhận, chưa quản lý sử dụng tài sản, bố mẹ vẫn quản lý và vẫn kê khai, đứng tên trong sổ sách như sổ địa chính v.v…, thì việc tặng cho đó chưa hoàn thành (về cả hình thức hay thực tế). Trong trường hợp này không công nhận tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

    Trong văn bản ở phần tặng cho chỉ ghi tên chồng, nhưng tài sản được tặng cho phải đăng ký quyền sở hữu. Sau khi được tặng cho người chồng đã tự đi làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và giấy chứng nhận quyền sở sử dụng đất ghi tên của cả vợ và chồng thì phải xác định tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng. Do người chồng đã nhập vào khối tài sản chung.

    “Những thu nhập hợp pháp khác” là những thu nhập nào?

    Ngoài những thu nhập đã được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 27, thì những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể là tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số mà vợ chồng có được hoặc tài sản mà vợ chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các điều sau: Điều 239 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 247): đối với vật vô chủ, vật không xác định được ai là chủ sở hữu. Theo quy định của điều này thì trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện, nhưng nếu là bất động sản thì phải sau năm năm mà không xác định được chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc sở hữu nhà nước; Điều 240 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 247): xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy; Điều 241 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 249): xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên; Điều 252 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 250): xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc; Điều 243 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 251): xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc; Điều 244 (Bộ luật Dân sự năm 1995 là Điều 252): xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, và việc xác lập quyền sở hữu đó diễn ra trong thời kỳ hôn nhân.

    Về tài sản là quyền sử dụng đất

    Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 27 đã quy định quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp khi cơ quan làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, lại ghi trong giấy chứng nhận là cấp cho hộ gia đình. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, cần làm rõ có phải đất đó được cấp cho hộ gia đình hay không. Nếu đất đó chỉ là của vợ chồng, thì cần làm rõ có phải vợ chồng đồng ý coi là tài sản chung của cả hộ gia đình hay không (có thể qua thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để biết, hoặc vợ chồng đều biết trong giấy ghi cấp cho hộ gia đình, nhưng cả chục năm sau kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ai có ý kiến gì; có trường hợp vợ chồng đã giao cho con quản lý sử dụng, người con đã kê khai trong sổ địa chính một phần diện tích trong giấy chứng nhận đó. Trong khi bố mẹ có kê khai diện tích đất khác, nhưng không kê khai diện tích đất này v.v.). Do đó, cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để đánh giá ý thức chủ quan của vợ chồng, từ đó xác định quyền sử dụng đất đó của cả hộ hay chỉ của hai vợ chồng.

    Việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung. Đây là một nguồn hình thành tài sản chung của vợ chồng. Đối với tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng (do có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, được tặng cho riêng v.v.) nhưng bên có tài sản riêng đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung, hoặc cả vợ chồng có thỏa thuận việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung, thì được coi là tài sản chung của vợ chồng.

    Trong thực tế khi giải quyết tranh chấp, cần phải chú ý thu thập chứng cứ chứng minh là bên có tài sản riêng đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung hoặc có thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung hay chưa? Thu thập các tài liệu, chứng cứ để đánh giá đúng ý thức chủ quan của đương sự.

    Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

    Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu.

    Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải lúc nào việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung cũng đều lập thành văn bản, có chữ ký của cả hai bên, do đó, nếu sau khi kết hôn, bên có tài sản riêng đã làm thủ tục chuyển thành sở hữu chung (như có văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung, bên có tài sản riêng khi kê khai cấp giấy chứng nhận đã ghi tên cả hai vợ chồng; một bên hay cả hai bên bán tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân và mua tài sản mới đứng tên vợ chồng, thì cũng coi tài sản mới mua là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

    Đối với trường hợp khi bán tài sản riêng, bên kia cũng góp tài sản riêng của mình để cùng mua một tài sản mới, hoặc đưa một phần tài sản chung vào để mua tài sản mới (phải có chứng cứ thể hiện rõ trong hồ sơ), dù chỉ một bên đứng tên, nếu không có thỏa thuận nào khác và không có chứng cứ gì để khẳng định là mỗi bên vẫn giữ theo tỷ lệ riêng khi góp vào mua tài sản mới…), và vợ chồng cùng sử dụng, dù khi ly hôn một bên khai là tài sản chung, một bên khai là tài sản riêng, thì Toà án vẫn công nhận là tài sản chung với ý nghĩa là họ đã nhập vào khối tài sản chung (trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác, có chứng cứ khác). Khi giải quyết, nếu các bên xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh và có thể xác định được một cách tương đối, về tỷ lệ mỗi bên đóng góp để mua tài sản mới và có cơ sở để xác định tài sản mới là tài sản chung, thì căn cứ vào tỷ lệ đó để xác định công sức đóng góp của mỗi bên cho phù hợp.

    Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, điều đó có nghĩa là khi hai vợ chồng chưa tự thỏa thuận xác định phần quyền của mỗi bên, hoặc chưa có quyết định của Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng, thì tỷ lệ phần quyền sở hữu của mỗi bên chưa được xác định, mỗi bên không thể biết phần quyền sở hữu của mình là bao nhiêu, và là những tài sản gì… đây là điểm khác biệt với sở hữu chung theo phần.

    Khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng”.

    Thực tiễn cho thấy, chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng mới ghi tên của cả hai vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất…). Song cũng không phải trong mọi trường hợp đều ghi tên cả 2 vợ chồng. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe mô tô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải…). Mặt khác, khoản 1 Điều 32 đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng, thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu và đang yêu cầu công nhận là tài sản riêng, thì phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô, mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27, tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

    Mặc dù, theo quy định tại Điều 80 BLTTDS thì có “những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh”, đó là: Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Toà án thừa nhận; Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh. Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự.

    Nhưng trong trường hợp người vợ hoặc người chồng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất đối với tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tác giả đặt vấn đề người đứng tên trong giấy tờ về tài sản đó, nếu không được người vợ hoặc người chồng công nhận là tài sản riêng của họ, thì bên đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh, là vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định dưới hình thức khẳng định tại Điều 27 là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Đây là một quy định có ý nghĩa thực tiễn rất cao, vừa có ý nghĩa coi trọng và củng cố quan hệ hôn nhân, vừa ngăn chặn động cơ không trong sáng của một bên, bảo đảm được sự công bằng, bênh vực bên yếu thế. Từ thực tế cho thấy người yếu thế đó thường là phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

    Khi một bên khai là tài sản riêng, một bên khai là tài sản chung, song trên thực tế vợ chồng đã quản lý sử dụng tài sản này, nếu bên khai là tài sản riêng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh là tài sản riêng, thì phải coi đây là tài sản chung vợ chồng.

    LUẬT SƯ NHA TRANG

LUẬT SƯ NHA TRANG